• Khu di tích thành Hoàng Đế ngày nay

    20-03-2021
    Thành Hoàng Đế nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá, thị xã An Nhơn cách Quy Nhơn 27km về hướng Tây Bắc.
    Thành Hoàng Đế được triều đại Tây Sơn xây dựng vào năm 1776 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại và được chính thức gọi tên là Thành Hoàng Đế từ năm 1778. Trong suốt một thời gian dài từ 1776 đến 1793, thành là đại bản doanh của quân Tây Sơn và sau đó là kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàn Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.
     
    Di tích thành Hoàng đế
     
    Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. Thành Ngoại có chu vi là 7400m. Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài 430m rộng 370m. Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật dài 174m rộng 126m.
     
    Qua nhiều lần khai quật đã lộ rõ nhiều công trình kiến trúc chứng tỏ vương triều Thái Đức đã phát triển trên đất này. Đó là nền chính điện, nền điện bát giác với gạch Bát Tràng và đá trắng Champa. Hai hồ bán nguyệt đối xứng qua điện bát giác, với những dãy đá san hô, những bậc đá gắn vào hồ.
     
    Ngoài hai hồ bán nguyệt, đợt khai quật còn lộ một hồ hình trái tim. Những cây sung cổ thụ mấy trăm năm tuổi bên hòn giả Sơn. Giếng vuông ở góc thành, lát đá ong mà nước đến bây giờ vẫn trong xanh dù cho thời gian cây cỏ vô tình che lấp.
     
    Thành Hoàng Đế còn chứng kiến những trận đánh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, trong đó có trận đánh bao vây thành của hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng với tướng Võ Tánh vào tháng 5 năm 1801. Biết cầm cự không nổi với quân Tây Sơn, Võ Tánh tự thiêu cùng với quan văn là Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nơi đây làm nơi thờ “song trung” Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.  
     
    Tuy thành Hoàng Đế chỉ còn là di tích lịch sử, nhưng văn hóa, và những làng nghề xung quanh thành vẫn còn như từ thuở nào. Không nhiều như “36 phố phường” của thành Thăng Long, nhưng xung quanh thành Hoàng Đế vẫn còn nhiều làng nghề rộn ràng sản xuất như làng gốm Vân Sơn, làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng tiện gỗ, làng nón… cho thấy một kinh thành nhộn nhịp ngựa xe và phồn hoa làm lòng ta thấy nao nao mà nghĩ về một huyền tích kinh xưa.
     
    Thành Hoàng đế ngày nay
     
    Thành đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1982. Nhiều công trình kiến trúc cung đình độc đáo của kinh đô Hoàng Đế nhà Tây Sơn được phát hiện như nền móng cung điện lầu Bát giác, các thủy hồ, đàn Nam Giao…
     
    Năm 2012, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Định tiếp tục khai quật lần thứ 5 thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định). Đợt khai quật này, Đoàn khảo cổ sẽ tiến hành khai quật trong diện tích 900 m2, nằm trong khuôn viên thành nội của thành Hoàng Đế. Trong đó, tập trung ở 3 hố, 1 hố nhằm khảo sát thủy hồ trong Tử thành (nhiều người gọi là Tử cấm thành) của nhà Tây Sơn, 2 hố còn lại nhằm khảo sát, xác định nền móng Tử thành. Kết quả khai quật sẽ là thông tin cần thiết cho việc công việc phục hồi, trùng tu thành Hoàng Đế trong thời gian tới.
     
    Trước đó, sau 4 lần khai quật thành Hoàng Đế vào các năm các năm 2004, 2005, 2006 và 2007 đã xác định một số kiến trúc cung đình độc đáo của kinh đô Hoàng Đế nhà Tây Sơn như nền móng cung điện lầu Bát giác, các thủy hồ, đàn Nam Giao…
     
    TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người phụ trách khai quật, cho biết: “Tử thành (Tử cấm thành) nhà Tây Sơn được xác định là kiểu kiến trúc cung đình nên việc xây dựng phải tuân thủ theo quy luật cân đối. Vì vậy, khi phát hiện ra thủy hồ ở phía tây thành (còn gọi là hồ bán nguyệt) nơi dành cho các phi tần, cung nữ tắm rửa, thì nhất định phải có thủy hồ ở phía đông. Nên khi tiến hành khai quật ở phía đông, đoàn tiếp tục phát hiện ra thủy hồ giống với thủy hồ ở phía tây. Còn hai hố còn lại đã phát hiện ra bờ móng, công trình kiến trúc của thành nội thành Hoàng Đế còn giữ lại được chia làm 2 phần: Hoàng cung, nơi triều đình hội họp, các vị lãnh đạo nhà Tây Sơn làm việc và phần phía sau hoàng cung là nơi sinh hoạt, ăn ở của tư gia Hoàng đế Nguyễn Nhạc, nơi mà nhân dân địa phương thường gọi là nền cung cũ hay nền hậu cung”.
     
    TS Lê Đình Phụng cho biết thêm: “Cuộc khai quật nhằm xác định không gian Tử cấm thành gồm quy mô, mặt bằng cùng các công trình kiến trúc thành nội của thành Hoàng Đế; tìm dấu vết để phục vụ cho công tác trùng tu, phục hồi thành Hoàng Đế dựa trên những cứ liệu có cơ sở khoa học vững chắc”.
     
    Tuy nhiên, việc phát hiện thêm nhiều dấu tích lịch sử nhưng để tiếp tục trùng tu, phục hồi thì cần có thêm những chứng cứ khoa học thuyết phục của khảo cổ học về các công trình kiến trúc cung đình Hoàng Đế. Bởi hiện nay, không gian Tử cấm thành và cấu trúc các vòng thành vẫn còn có những ý kiến trái chiều nhau.
     
    Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, tại vị trí thành Hoàng Đế hiện nay, từng tồn tại 2 vương triều của 2 tộc người khác nhau, sống cách hơn 300 với tên gọi: Đồ Bàn (Champa), Hoàng Đế (Tây Sơn). Tuy nhiên, kinh đô Đồ Bàn - Vijaya tồn tại thời gian gần V thế kỷ (XI - XV), liên tục bị chiến tranh tàn phá rồi lại được xây dựng, tu bổ phục hồi ở nhiều thời điểm khác nhau nên dấu tích không còn nhiều.
     
    Năm 1776, Nguyễn Nhạc, cho quân sửa lại thành Đồ Bàn làm đại bản doanh của quân khởi nghĩa, sau đó xây dựng thành kinh đô nhà Tây Sơn. Từ năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế đặt kinh đô tại Phú Xuân, kinh đô Hoàng Đế chỉ còn trên danh nghĩa. Năm 1793, vua Cảnh Thịnh tiến chiếm thành Hoàng Đế. Năm 1801 thành Hoàng Đế đã thuộc về Nguyễn Ánh do tướng Võ Tánh đóng quân sau khi chiếm được thành từ quân Tây Sơn.
     
    Sau khi chiếm được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh đã đổi tên là thành Bình Định. Tới năm 1814 ông cho chuyển thủ phủ từ thành Hoàng Đế về vị trí là thành Bình Định sau này, nằm cách thành hoàng đế khoảng 5km về hướng đông nam làm thủ phủ trị sự của vùng Quy Nhơn - Bình Định.
     
    Doãn Công (dantri.com.vn)

    Social
    Thống kê truy cập
    Đang Online: 1
    Tuần này: 291
    Tháng này: 1040
    Tất cả: 239992
    Doanh nghiệp tài trợ
    Thiết kế website Doctorweb.vn
    Luật Phú Sang
    Viện Công nghệ đào tạo nguồn nhân lực ASEAN
    çekmeköy evden eve nakliyat,kadıköy evden eve nakliyat,nakliyat,eşya depolama,ataşehir evden eve nakliyat,ümraniye evden eve nakliyat,üsküdar evden eve nakliyat,pendik evden eve nakliyat,göztepe evden eve nakliyat,sarıyer evden eve nakliyat,